Có lẽ, mỗi một người dân Quảng Ngãi đều hiểu rõ, sự đổi thay vượt bậc của nền kinh tế Quảng Ngãi ngày hôm nay có dấu ấn đóng góp rất quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – nhà máy lọc dầu số 1 của Việt Nam. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ngãi đầu năm 2023, thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là niềm tự hào của Việt Nam, do người Việt Nam tự thực hiện, vận hành, quản lý… góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập tự chủ, đổi mới toàn diện.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, do Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành, sau gần 15 năm đi vào hoạt động (tính đến đầu tháng 5/2023) đã sản xuất hơn 83,8 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 1,42 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 203,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hơn 42,6 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhà máy còn là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, là hạt nhân thu hút các nhà đầu tư đến với KKT Dung Quất, là đòn bẩy cho nền kinh tế Quảng Ngãi. Qua đó, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh có ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP và có số thu ngân sách cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và cả nước.
Bên cạnh lọc hóa dầu, các ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí và công nghiệp phụ trợ của Quảng Ngãi cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh. Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu phức hợp công nghiệp nặng Doosan Vina; KCN VSIP Quảng Ngãi, KCN Tịnh Phong… Kết thúc năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,08%, đứng thứ 6 so với 14 tỉnh khu vực miền Trung và thứ 3 so với 5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.836 USD.
Vượt qua bao gian lao, thách thức, từ một tỉnh nghèo có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng đô thị yếu kém, đến nay bộ mặt đô thị các địa phương của tỉnh đã có sự đổi thay vượt bậc. Nổi bật là đô thị TP.Quảng Ngãi, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 50,6%. Thành phố đã hoàn thiện một số tiêu chí đô thị loại II và đạt một số tiêu chí đô thị loại I. Còn với TX.Đức Phổ, nhờ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng, mang tính kết nối đã giúp thị xã đạt 90,46/100 điểm so với tiêu chuẩn đô thị loại IV và đạt 74,14/75 điểm so với tiêu chuẩn đô thị loại III. Tỷ lệ đô thị hóa của thị xã đạt khoảng 54%. Qua đó, khẳng định vai trò là đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phía nam của tỉnh.
Ngoài ra, nhờ tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, đã giúp diện mạo đô thị các địa phương từ đồng bằng đến miền núi và huyện Lý Sơn ngày càng đổi mới, khang trang, hiện đại.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra chỉ tiêu, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% cùng hệ thống 15 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại II (TP.Quảng Ngãi), 2 đô thị loại IV (TX.Đức Phổ, Bình Sơn). Thực hiện mục tiêu này, chính quyền các địa phương đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh, xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Tưởng Duy cho biết, cùng với tập trung hoàn thành 7 tiêu chí đô thị loại IV còn thiếu, huyện đang nỗ lực thực hiện để sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch phân khu 1/2.000 trung tâm đô thị thị trấn Châu Ổ và vùng phụ cận. Đây là cơ sở để huyện mở rộng và phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, hướng đến mục tiêu Bình Sơn được công nhận thị xã vào năm 2025. Cùng với đó, UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, quy hoạch và dự toán chi phí lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất, với quy mô 7.400ha. Khu đô thị, dịch vụ này được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ tài chính của KKT Dung Quất; đồng thời, tạo động lực hình thành các khu đô thị biển hiện đại của huyện Bình Sơn và của tỉnh.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, để hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV, tiến đến đô thị loại III theo hướng “sinh thái, thông minh”, TX.Đức Phổ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng yếu, đồng bộ giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh Sa Huỳnh, Phổ An và Phổ Quang. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, mở rộng không gian đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi trong giao thương với các địa phương trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án Phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với thành tựu của tỉnh, ngành nông nghiệp cũng đạt được những kết quả vượt bậc, khẳng định được vị thế trong nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 4%/năm; sản lượng lương thực ước đạt hơn 492 nghìn tấn/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương khẳng định, điểm nhấn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua chính là thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhằm nhân rộng, hình thành các vùng sản xuất công nghệ cao. Qua đó, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là công nghệ sinh học (CNSH), công nghệ tuần hoàn khép kín. “Quả ngọt” bước đầu không chỉ là thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, mà còn nâng giá trị lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 4.800 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng giá trị toàn ngành (gần 9.800 tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm 2023.
Là một trong những đơn vị ứng dụng CNSH vào sản xuất và nhân giống đông trùng hạ thảo, Công ty TNHH Một thành viên Nấm dược liệu Ninh Trương (Sơn Tịnh) đã gặt hái nhiều thành quả. Đó là sản phẩm đồng nhất cả về số lượng và chất lượng trong suốt các chu trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sâu. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nấm dược liệu Ninh Trương Trương Quang Ninh cho biết, để nâng cao hiệu quả, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất và chế biến tự động, từ hệ thống làm lạnh phun sương, phòng nuôi cấy và nhân giống đến ứng dụng sấy thăng hoa. Sản lượng, chất lượng và giá trị các sản phẩm ngày càng gia tăng, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt (Tư Nghĩa) đang dẫn đầu về sản lượng cũng như thị phần cung ứng heo hơi trong tỉnh nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi theo hướng khép kín tuần hoàn. Từ hệ thống truyền tải thức ăn và nước uống tự động, camera kết nối Internet nhằm giám sát toàn bộ quá trình chăn nuôi, đến khu xử lý chất thải (hầm biogas 1.000m3) cùng máy tạo viên nén (từ chất thải chăn nuôi)… Qua đó, vừa nâng cao hiệu suất đầu tư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa ổn định và mở rộng quy mô đàn gia súc hiện đạt trên 3.000 heo thịt, 300 heo nái và 100 con bò thịt.
Theo Báo Quảng Ngãi
Bài viết gốc: Link